Ngành sản xuất ô tô châu Âu lao đao
Số liệu mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất của châu Âu chưa thể thoát ra khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô quan trọng ở châu lục này cũng đang đối mặt với tình cảnh khó khăn chưa từng thấy khi doanh số giảm nhưng cạnh tranh ngày càng tăng.
Cú sốc từ Volkswagen
Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố ngày 4-11, sự suy thoái của ngành sản xuất tại châu Âu đã kéo dài 28 tháng. Ở Đức, suy thoái trong ngành sản xuất của nước này đặc biệt rõ ràng, trong bối cảnh hãng ô tô Volkswagen mới đây nêu khả năng sẽ đóng cửa ba nhà máy.
Về nguyên nhân chỉ số PMI trong ngành sản xuất không cải thiện, S&P Global dẫn các báo cáo cho thấy có sự suy giảm về nhu cầu, giữa các bất ổn kinh tế và chính trị, lãi suất cao cũng như nhiều vấn đề trong ngành ô tô tại châu Âu.
Báo Guardian nhận định các nhà sản xuất ô tô tại lục địa già đều than thở đang gặp khó. Cùng với đó, những rắc rối mà ngành công nghiệp này đang gặp phải cũng là nguyên nhân khiến niềm tin của các doanh nghiệp khác sụt giảm.
"Nhìn chung chỉ số PMI trong ngành sản xuất vẫn ảm đạm. Chỉ số này đã chưa đánh giá đúng mức tăng trưởng sản xuất trong các quý gần đây nên chúng tôi cho rằng sản xuất công nghiệp sẽ giảm nhiều như dự kiến trong quý 4.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn cho rằng sản lượng sẽ giảm trở lại. Theo quốc gia, sự yếu kém đang tập trung ở Đức", bà Melanie Debono, nhà kinh tế cấp cao về châu Âu tại Công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, cho hay.
Theo Hãng tin Bloomberg, sau nhiều năm phớt lờ tình trạng sản xuất dư thừa công suất và đánh mất khả năng cạnh tranh, nước đi của Volkswagen khiến cả ngành công nghiệp ô tô của châu Âu phải tính toán.
Nỗ lực nhằm cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc và Hãng Tesla của Mỹ trong lĩnh vực xe điện đang chững lại là một thực tế đang rất "khó nhằn" của ngành ô tô châu Âu.
Theo số liệu từ Just Auto được Bloomberg dẫn lại hồi tháng 9, với doanh số bán xe tại châu Âu thấp hơn khoảng 1/5 so với mức trước đại dịch, các hãng xe như Volkswagen, Stellantis và Renault đang vận hành hơn 30 nhà máy ở mức mà các nhà phân tích xem là không có lãi. Trong đó có nhà máy của Volkswagen tại Wolfsburg - nhà máy vào loại lớn nhất châu Âu.
Cuối tháng 10-2024, Volkswagen báo cáo lợi nhuận quý 3 giảm 42% xuống mức thấp nhất trong ba năm.
Biên lợi nhuận hoạt động của hãng cũng chỉ đạt 2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9. Thị trường ô tô châu Âu đã giảm khoảng 2 triệu xe kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 khiến doanh số của Volkswagen giảm khoảng 500.000 xe mỗi năm.
"Volkswagen đang nhận ra tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Chúng ta đang sống trong một thế giới địa chính trị đầy khó khăn và châu Âu chưa chiến thắng trận chiến này". Ông Harald Hendrikse (nhà phân tích ngành ô tô tại Ngân hàng Citigroup)
Ảnh hưởng đến nhiều ngành
Theo phân tích của Bloomberg, tình hình bán xe ảm đạm cũng khiến khoảng 1/3 nhà máy của hãng xe BMW, Mercedes-Benz, Stellantis, Renault và Volkswagen hoạt động dưới mức bình thường trong năm ngoái, sản xuất ít hơn một nửa số xe trong khả năng.
Trong bối cảnh trên, hàng ngàn người lao động trong ngành đứng trước nguy cơ mất việc, cùng với việc các hãng xe cũng cắt giảm bớt phúc lợi cho nhân viên.
Volkswagen yêu cầu người lao động giảm 10% lương, với lý do đây là cách duy nhất để nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu có thể duy trì sản xuất và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua.
Bức tranh ngành công nghiệp ô tô châu Âu khó được cải thiện trong tương lai gần, trong khi nhu cầu về xe điện giảm đột ngột và cạnh tranh tăng ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và Trung Quốc.
"Nhiều nhà sản xuất ô tô đang tranh giành những miếng bánh nhỏ hơn. Một số nhà máy sản xuất chắc chắn sẽ phải ngừng hoạt động", chuyên gia phân tích độc lập Matthias Schmidt tại Hamburg (Đức) nhận xét.
Chưa hết, nguy cơ đóng cửa các nhà máy ở châu Âu ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây do tình trạng thiếu công nhân khiến chi phí lao động tăng cao, cũng như chi phí năng lượng tăng từ mức vốn đã cao do cuộc chiến ở Ukraine.
Tình thế của ngành ô tô nếu không xoay chuyển sẽ là một đòn giáng nặng vào nền kinh tế khu vực. Theo đó, ngành công nghiệp này chiếm hơn 7% tổng sản phẩm quốc nội của Liên minh châu Âu (EU) và tạo ra hơn 13 triệu việc làm.
Bên cạnh đó các nhà máy sản xuất ô tô thường là điểm tựa của một cộng đồng, với việc đảm bảo việc làm cho nhiều ngành kinh doanh liên đới như các nhà cung cấp phụ tùng động cơ, các công ty vận tải đến các tiệm bánh mì địa phương giao hàng cho căng tin nhà máy.
Cần ngân sách lớn để chuyển đổi sang xe điện
Theo Đài Euronews, các nhà sản xuất ô tô ở EU đang phải vật lộn để thích ứng với việc sản xuất xe điện chạy bằng pin.
Đặt tham vọng là lục địa trung hòa khí hậu đầu tiên, EU đang nỗ lực loại bỏ dần việc sản xuất ô tô động cơ đốt trong cho đến năm 2035.
Theo một báo cáo mới đây, các nước EU sẽ cần khoản đầu tư trị giá 800 tỉ euro (hay hơn 870 tỉ USD) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng như để cạnh tranh với đối thủ thương mại trên toàn cầu.
Trung Quốc phản đối chính sách áp thuế xe điện của EU Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên WTO, phản đối các biện pháp chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe ... |
Toyota Việt Nam lập kỷ lục doanh số trong tháng 10 Trong tháng 10, doanh số bán hàng của Toyota đạt 8.898 , tăng 25% so với tháng trước (bao gồm xe Lexus), đồng thời ghi ... |
V-GREEN và Vasia hợp tác triển khai trạm sạc nhượng quyền tại Bắc Ninh Thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp V-GREEN thúc đẩy nhanh hơn quá trình phủ xanh trạm sạc và mở rộng mô hình nhượng quyền ... |