Từ ngày 1/10, bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô
Thay đổi phương thức xác định tỷ lệ nội địa hóa linh kiện ô tôTỷ lệ nội địa hóa thấp khiến ô tô Việt có giá thành caoTổng giám đốc Toyota Việt Nam nói gì về cam kết nội địa hóa? |
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Theo đó, từ ngày 1/10/2022 sẽ bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản gồm: Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN. Như vậy, các quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa sẽ được bãi bỏ sau gần 20 năm tồn tại.
Giới chuyên gia trong ngành đánh giá việc bãi bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, bảo đảm tính minh bạch, hợp lý; không phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước; bảo đảm việc thực hiện các điều ước và hiệp định thương mại tự do ký kết với các nước khác.
Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô do Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) không còn phù hợp.
Cụ thể, phía VAMI cho biết hiện tại phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang được Bộ KH&CN quy định tại các văn bản: Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN và Thông tư số 05/2012/TT-BHCN ngày 12/3/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.
VAMI cho rằng phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô tại các văn bản nêu trên của Bộ KH&CN không phù hợp với quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, điều này gây ra sự chồng chéo, không phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh ô tô.
Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lý giải rằng các văn bản trên được Bộ KH&CN ban hành căn cứ tại Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 3/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Tuy nhiên, Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg đã được thay thế bởi Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Theo khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hơn 7 năm từ khi Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Bộ KH&CN chưa ban hành văn bản bãi bỏ và công bố công khai trên thông tin đại chúng.
Theo các doanh nghiệp ô tô, việc tính tỷ lệ nội địa hóa quy định tại Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN không phù hợp với thông lệ quốc tế đang được các nước ASEAN và trên thế giới áp dụng (dựa theo tỷ lệ phần trăm về giá trị sản xuất trong nước).
Cụ thể, theo quy định này của Bộ KH&CN, Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp tính tỷ lệ nội địa hoá theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Theo đó, mỗi cụm linh kiện/phụ tùng chính được áp một điểm số và quy ra một tỷ lệ (%) nội địa hóa nhất định mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện/phụ tùng đó.
Trong khi đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, khi đó hàng hóa được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa nội khối.
Đồng thời, phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa theo ASEAN hiện nay cũng được Bộ Công Thương quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018. Theo đó, ô tô nhập khẩu về Việt Nam hay từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước ASEAN nếu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi 0% thì đều phải áp dụng quy định này.
Mặt khác, cách tính toán và xác định tỷ lệ nội địa hóa tại Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN cũng không phù hợp với thực tiễn công nghệ sản xuất ô tô trên thế giới hiện nay.
Cùng với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, các tính năng và linh kiện trên ô tô ngày càng đổi mới, hiện đại và chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị của chiếc xe đặc biệt đối với các dòng xe con cao cấp, xe điện hóa (xe hybird, xe hybrid sạc ngoài, xe điện chạy pin... ), thiết kế và công nghệ vật liệu sản xuất thân vỏ xe có sự thay đổi (theo hướng tăng cường tỷ trọng sử dụng các loại vật liệu mới: sợi cacbon, titanium, nhôm hợp kim, composite,... để đảm bảo nhẹ, cứng vững; đồng thời, giảm tỷ trọng kim loại).
Trong khi đó, danh mục linh kiện quy định tại các Phụ lục 1, 2, 3, 4 ban hành kèm theo Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN lại chưa đề cập cụ thể (ví dụ: các công nghệ an toàn, hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống giải trí đa phương tiện, camera trước/sau, camera 3600 và các cảm biến trong xe,...).
Trước thực tế này, VAMI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN theo thẩm quyền sớm bãi bỏ Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư số 05/2012/TT-BHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Chi tiết Yamaha MT-10 2022 vừa ra mắt Việt Nam, giá từ 499 triệu đồng Được nâng cấp ở cả thiết kế, trang bị và động cơ, Yamaha MT-10 thế hệ mới tăng giá 30-50 triệu đồng so với đời ... |
10 mẫu ô tô bán chậm nhất tháng 8/2022: VinFast VF e34 góp mặt Ngoài các mẫu xe quen thuộc như Honda Accord, Mitsubishi Pajero Sport… đáng chú ý 10 mẫu ô tô bán chậm trong tháng 8/2022 vừa ... |
Một số lỗi vi phạm khi tham gia giao thông khiến ô tô bị tịch thu vĩnh viễn Không chỉ bị tạm giữ xe ngay lập tức, nhiều lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng sẽ bị tịch thu phương tiện vĩnh viễn |