Hàng loạt hãng xe Nhật Bản dính bê bối thử nghiệm
Bê bối liên quan đến việc thử nghiệm an toàn của hãng Daihatsu cuối năm 2023 đã gây ra một làn sóng giám sát mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản. Bộ Giao thông nước này đã quyết định đưa ra một động thái mạnh bằng việc yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và cung cấp phụ tùng phải báo cáo về các vi phạm liên quan đến quy trình cấp chứng nhận.
Kết quả điều tra cho thấy Toyota, Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha đã thừa nhận có hành vi gian dối, đồng thời phải tạm dừng sản xuất, xuất xưởng và bán các mẫu xe liên quan.
Toyota: Cung cấp dữ liệu sai lệch về thử nghiệm an toàn
Toyota thừa nhận đã khai báo sai lệch dữ liệu trong các bài kiểm tra an toàn cho người đi bộ và người ngồi trên xe đối với các mẫu xe Corolla Fielder (bản wagon), Corolla Axio (bản sedan) và Yaris Cross đang được sản xuất.
Trong số này, Yaris Cross là cái tên đáng quan tâm nhất. Tuy nhiên, đây là bản nội địa Nhật, không phải bản sản xuất tại Indonesia đang xuất khẩu về Việt Nam. Đại diện Toyota khẳng định đây là một sản phẩm hoàn toàn khác biệt so với mẫu xe cùng tên đang bán tại Việt Nam. Từ thiết kế tới nền tảng khung gầm của hai mẫu Yaris Cross đều không liên quan.
Cuộc điều tra nội bộ của Toyota cũng phát hiện ra rằng các mẫu xe Crown, Isis, Sienta và Lexus RX (cả 4 mẫu đã ngừng sản xuất) đã bị can thiệp trong quá trình thử nghiệm va chạm.
Trong cuộc họp báo ngày 3/6, chủ tịch Toyota Akio Toyoda bày tỏ: "Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng, những người đam mê ô tô và tất cả các bên liên quan".
Tuy nhiên, Toyota vẫn khẳng định các phương tiện này đều tuân thủ các quy định về an toàn. Do đó, chủ xe không phải thực hiện thêm bất cứ thao tác nào để chiếc xe an toàn hơn.
Mazda: Gian lận dữ liệu động cơ
Trong khi đó, Mazda thừa nhận các cuộc thử nghiệm động cơ trên MX-5 RF và Mazda2 hatchback đã không được tiến hành đúng cách.
Hãng xe này cũng thừa nhận các thử nghiệm va chạm trên Atenza/Mazda6 và Axela/Mazda3 (đã ngừng sản xuất) cũng bị làm sai lệch. Một thiết bị bên ngoài đã được sử dụng để kích hoạt túi khí thay vì để cảm biến trên xe tự kích hoạt. Tất cả đều là những đời xe đã ngừng sản xuất.
Theo thông báo của Mazda, công ty này đã tạm dừng xuất xưởng xe thể thao Roadster RF và Mazda2 hatchback từ ngày 30/5, sau khi phát hiện nhân viên đã can thiệp vào kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ. Giống Toyota, hãng khẳng định các mẫu xe sản xuất đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Honda: Giả mạo dữ liệu về độ ồn
Honda là hãng xe có số lượng mẫu xe liên quan đến gian lận nhiều nhất. Kết quả điều tra nội bộ cho thấy Honda đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật trong các bài kiểm tra tiếng ồn đối với 22 mẫu xe/thế hệ xe đã ngừng sản xuất.
Các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm: Inspire, Fit, Fit Shuttle, Shuttle, CR-Z, Acty, Vamos, Stepwgn, Legend, Accord, Insight, Exclusive, CR-V, Freed, N-Box, N-One, Odyssey, N-Wgn, Vezel, Grace, S660, Jade, và NSX. Tất cả là những mẫu được sản xuất từ năm 2009 đến 2017.
Suzuki: Gian lận khoảng cách phanh an toàn
Trong trường hợp của Suzuki, hành vi gian lận chỉ giới hạn ở một mẫu xe duy nhất, đó là chiếc Alto phiên bản LCV thuộc thế hệ cũ được sản xuất từ năm 2014 đến 2017.
Cụ thể, Suzuki đã khai báo quãng đường xe di chuyển từ lúc phanh đến lúc dừng hẳn ngắn hơn so với kết quả đo thực tế.
Đại diện Suzuki cho biết áp lực tác động lên bàn đạp phanh trong quá trình thử nghiệm riêng lẻ không đủ mạnh như yêu cầu để cho ra kết quả phù hợp tiêu chuẩn an toàn pháp lý. Thay vì tiến hành kiểm tra lại, để kịp tiến độ, hãng đã điều chỉnh dữ liệu với hy vọng chiếc xe sẽ hoạt động tốt hơn trong bài kiểm tra đầy đủ.
Yamaha: Ảnh hưởng đến mẫu mô tô YZF-R1
Hãng xe máy Yamaha cũng có mẫu xe liên quan đến vụ việc. Yamaha thừa nhận đã có những thao tác lệch chuẩn trong quá trình thử nghiệm 3 mẫu xe máy, trong đó có mẫu YZF-R1 hiện vẫn còn được sản xuất.
Theo AP, bê bối lần này không ảnh hưởng đến sản xuất của Toyota ở nước ngoài. Honda cũng đưa ra lời xin lỗi về bê bối lần này. Honda cho biết các mẫu xe bị ảnh hưởng, bao gồm Accord, Odyssey và Fit, đều không còn sản xuất. Hãng khẳng định vấn đề an toàn của các xe này không bị ảnh hưởng.
Có khoảng 1,7 triệu chiếc xe Toyota bị ảnh hưởng trong vụ bê bối này. Con số tương ứng của Mazda Roadster RF là 150.000 xe và Mazda2 Hatchback là 7.000 xe. Honda tiết lộ có khoảng 4,35 triệu xe của hãng bị ảnh hưởng trong khi với Suzuki là 26.000 xe.
Bê bối gian lận thử nghiệm của các nhà sản xuất xe đang là điểm nhức nhối đối với Chính phủ Nhật Bản. Yoshimasa Hayashi, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản, gọi hành vi sai trái này là "đáng tiếc".
Tại Việt Nam, hiện chỉ có Toyota kịp thời đính chính và thông báo cũng như giải thích rõ về sự việc sau khi nhận được thông tin từ tập đoàn mẹ. Hãng xe Nhật cũng cho rằng, thực chất sự việc trên không liên quan tới thị trường Việt Nam mà chỉ ở thị trường Nhật.
Về phía Honda, tất cả 22 mẫu xe có vấn đề trong quá trình thử nghiệm đều là những mẫu đã bị ngừng sản xuất. Yamaha cũng thừa nhận sai sót trong quá trình thử nghiệm, tuy nhiên sự cố với hãng xe này lại ảnh hưởng tới một mẫu xe mô tô là YZF-R1, không có tại thị trường Việt.
Hai mẫu xe tới từ hãng Mazda cũng bị réo tên khi vướng phải những bất thường trong quá trình thử nghiệm an toàn xe là Mazda2 và Mazda 6. Hiện, Mazda Việt Nam chưa có thông tin cũng như những giải thích tới phía khách hàng khi nhiều người sử dụng hai mẫu xe này đang lo lắng về loạt thử nghiệm an toàn.
Toyota triệu hồi hơn 102.000 xe ở Bắc Mỹ do nguy cơ lỗi động cơ Toyota vừa thông báo triệu hồi hơn 102.000 xe Tundra và Lexus LX600 tại thị trường Bắc Mỹ vì lỗi liên quan đến động cơ |
VinFast lọt top 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất thế giới VinFast vừa được tạp chí TIME đưa vào danh sách 'TIME100 Company', top 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong ... |
Top 10 mẫu xe plug-in hybrid đáng tin cậy nhất năm 2024 Sự lên ngôi của xe hybrid trong xu hướng sử dụng xe xanh hiện nay cho thấy bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghiệp ... |