Kiểm tra định kỳ khí thải xe máy: Cần rõ lộ trình, tránh áp đặt
Hà Nội sẽ đo kiểm khí thải, tiến tới thu hồi xe cũ đổi xe mới Áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 - rào cản cho xe nhâp khẩu từ Thái Lan Một số loại xe sắp được miễn kiểm tra khí thải |
Kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết
Mới đây, Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp để triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất các quy định siết chặt đối với mô tô, xe gắn máy hơn so với hiện nay như bắt buộc phải kiểm tra khí thải định kỳ nhằm kiểm soát chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các loại phương tiện này.
Bộ Công an đề nghị, cần có lộ trình rõ ràng, khả thi hơn về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe gắn máy và tiến tới cấm xe máy quá niên hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông để bảo vệ môi trường,... Đồng thời, có chế định liên quan đến bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên phương tiện, kèm theo đó là chế tài đủ mạnh nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành.
Trên thực tế hiện nay, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy. Các chuyên gia cho rằng, với số lượng trên 40 triệu phương tiện, xe máy đang là một trong những tác nhân chính gây nên ô nhiễm không khí, nhất là ở khu vực đô thị, nơi có mật độ phương tiện cao.
Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT), toàn thành phố hiện có xấp xỉ 6 triệu triệu xe máy (trong đó có trên 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000), chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Theo cơ quan này, khí thải từ các phương tiện như xe máy cũ gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hydrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác. Những chất này gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí đô thị cũng như sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân sử dụng xe máy chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc bảo trì, bảo dưỡng phương tiện cũng như thay thế xe cũ nát khiến không khí ngày càng bị ô nhiễm nặng nề.
Trong khi ô tô phải đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đăng kiểm định kỳ mới được lưu thông thì với mô tô, xe gắn máy lại gần như không có công cụ nào để kiểm soát chất lượng. Đã đến lúc, chúng ta cần có hành lang pháp lý phù hợp cho loại phương tiện này.
Cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình chứ không nên áp đặt ngay
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, với tốc độ phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2025, thu nhập đầu người tại Việt Nam đạt trung bình trên 3.000 USD. Theo kinh nghiệm quốc tế, với thu nhập như vậy sẽ bùng nổ phương tiện cá nhân, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng và ảnh hưởng đến môi trường không khí.
"Chúng tôi cho rằng, kiểm soát khí thải phương tiện trong thời gian tới là cần thiết. Trong đó, việc kiểm tra, kiểm soát đối với mô tô, xe gắn máy sẽ được nghiên cứu theo hướng đơn giản hóa và không thể đưa vào trạm kiểm định như ô tô", Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ góp phần tích cực bảo vệ môi trường không khí, tạo thói quen chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện thường xuyên của người dân. Và lợi ích trước mắt sẽ là đảm bảo an toàn, sức khỏe của chính những người tham gia giao thông.
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải khẳng định, chủ trương kiểm soát, kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy là đúng đắn, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu.
Tuy vậy, GS.TS Sùa cho rằng, quy định trên nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng tới hàng chục triệu người, tác động đến kinh tế, xã hội là không nhỏ. Do vậy, cần có những bước thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thật bài bản trước khi áp dụng rộng rãi.
"Với số lượng phương tiện rất lớn nên việc thực thi cần ứng dụng công nghệ thông tin, nhận diện phương tiện và đầu tư đúng mức. Quan trọng nhất là làm sao thuận tiện cho người dân với chi phí và thời gian ít nhất có thể, trong đó có tính đến cả những vùng sâu, vùng xa. Theo tôi chỉ nên bắt buộc kiểm định những xe máy đã sử dụng từ 8-10 năm trở lên, xe mới thì không cần thiết", GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu giải pháp.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, một bộ phận người dân nghèo ở các thành phố đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát để mưu sinh, khi kiểm định chắc chắn sẽ không đạt yêu cầu. Việc chính quyền thu hồi các xe này hay không lại cần có chính sách "hợp tình, hợp lý".
"Tôi cho rằng, việc kiểm định khí thải, thu hồi xe máy cũ không được áp đặt ngay mà phải có lộ trình cụ thể, vừa đạt mục tiêu giảm bớt ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo an sinh cho người dân"- TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã có đề xuất triển khai đo kiểm khí thải, qua đó từng bước tuyên truyền, khuyến khích người dân chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ và thực hiện thải bỏ xe máy cũ nát, đổi xe máy mới.
Trong đó, TP. Hà Nội dự kiến sẽ kiểm tra khí thải (tự nguyện) khoảng 3.000 - 5.000 xe máy cũ của các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM. Những xe không đạt yêu cầu được hỗ trợ sửa chữa, thay mới nếu có nhu cầu. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 9/2021 đến hết tháng 6/2022.
(Theo:Vietnamnet)
So sánh Hyundai Grand i10 2021 và VinFast Fadil: Chọn xe Hàn hay xe Việt? Hyundai Grand i10 thế hệ hoàn toàn mới với nhiều nâng cấp đáng giá, hứa hẹn sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh mạnh mẽ với ... |
Suzuki Ertiga giảm chạm đáy, thấp ngang Hyundai Grand i10 Hiện tại một số đại lý Suzuki Ertiga Sport đang được giảm từ 50 – 100 triệu đồng, tùy từng đại lý, khu vực |
Bổ sung thêm trường hợp chỉ kiểm định xe thời hạn 15 ngày Thông tư 16/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015) của Bộ GTVT ban hành bổ sung thêm các trường hợp chỉ kiểm định xe ... |