Thị trường ô tô điện Việt Nam: Đi nhanh nhưng chưa xa
Những bước tiến nhanh chóng
Sau mẫu xe điện đầu tiên được ra mắt chính hãng tại Việt Nam là Porsche Taycan vào tháng 10/2020, sự xuất hiện của VinFast với mẫu xe đầu tiên là VF e34 vào năm 2021 đã nổ “phát pháo hiệu” hình thành thị trường ô tô điện Việt Nam. Từ thời điểm này, hàng loạt các sản phẩm mới đã nối đuôi nhau xuất hiện, từ những cái tên ở nhóm phổ thông như Hyundai IONIQ 5, VinFast VF5, VF6, VF7, VF8, VF9… cho tới các mẫu xe hạng sang như Audi e-tron, Mercedes-Benz EQS, BMW iX/i7, Rolls-Royce Spectre…
Năm 2023, các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục góp sức thúc đẩy thị trường xe điện tại Việt Nam, với những cái tên nổi bật là Wuling Mini EV, Hongqi (Hồng Kỳ) e-HS9…, hay gần đây nhất là Haima 7X-E - mẫu xe điện đa dụng (MPV) đầu tiên.
Với nỗ lực lớn của nhà sản xuất Việt Nam - đặc biệt là về hạ tầng sạc và giá thành ngày càng hợp lý, số lượng ô tô điện trong nước cũng tăng lên nhanh chóng. Ưu thế sử dụng êm ái, không xả thải, tăng tốc ấn tượng… đã thu hút đáng kể thị hiếu tiêu dùng. Năm 2023, VinFast cho biết, đã bán được 34.855 xe điện các loại, chủ yếu tại thị trường trong nước. Trong khi đó, tuy không đưa ra con số cụ thể, song hầu hết các thương hiệu lớn đang hiện diện ở Việt Nam đều có kết quả kinh doanh “đạt kỳ vọng”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là thị trường ô tô điện trong nước mở rộng nhanh nhưng chưa song hành với chiều sâu. Nhiều rào cản vẫn ngăn cách người dùng mạnh dạn tiếp cận loại hình phương tiện mới, như số sản phẩm chưa thật sự đa dạng; hạn chế về công nghệ khiến xe điện còn tồn tại bất cập, đặc biệt là về thời gian sạc và phạm vi hoạt động… Một số sự cố cháy nổ tạo ra tâm lý lo ngại về tính an toàn.
Trong đó, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng sạc, gây ra lo lắng về phạm vi hoạt động của xe điện. Dù VinFast đang theo đuổi lộ trình lắp đặt hàng trăm nghìn trạm sạc trên toàn quốc, nhưng tới nay các trạm hoạt động ổn định chủ yếu tập trung ở một số đô thị lớn. Kể từ năm 2024, nhiều nhà cung cấp dịch vụ sạc cũng tích cực tham gia sân chơi mới, nhưng quy mô còn hạn chế. Nguồn cung điện, sự đa dạng về tiêu chuẩn phích cắm, cổng kết nối sạc… là những rào cản lớn.
Theo đại diện một hệ thống đại lý ô tô lớn có kinh doanh xe điện, khó khăn tiềm ẩn khác là độ phủ và nguồn cung phụ tùng cho xe điện chưa rộng khắp, chi phí xử lý rủi ro đắt. Thực tế này khiến chi phí bảo hiểm cho xe điện cao hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Thị trường còn nhiều tiềm năng
Wuling Hongguang Mini EV |
Dù chặng đường phía trước còn gập ghềnh, song không thể phủ nhận ô tô điện có tiềm năng phát triển to lớn tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét cả ở phương diện thị trường và hoạt động sản xuất. Hầu hết các hãng xe lớn đều có kế hoạch tiếp tục đa dạng hóa danh mục ô tô điện. Lối đi này nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng.
Theo anh Mạnh Thắng (Hà Nội), một người sử dụng xe điện lâu năm, khách hàng xe điện ở Việt Nam thuộc ba nhóm chính: Giới trẻ thích công nghệ, thích xe có thiết kế hiện đại; nhóm có điều kiện tài chính mua thêm xe điện để trải nghiệm, cần các sản phẩm cao cấp có thương hiệu tốt; nhóm kinh doanh vận tải nhỏ cần loại xe điện ổn định với chi phí sử dụng thấp.
“Chỉ những nhà sản xuất thấu hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng mới có thể thành công trong lĩnh vực xe điện những năm tới” - anh Thắng nhấn mạnh.
Cơ hội kinh doanh tiềm năng cũng khuyến khích không ít nhà sản xuất vạch ra lộ trình biến Việt Nam thành “cứ điểm” xuất xưởng xe điện. Từ giữa năm 2023, Hyundai IONIQ 5 đã được lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình với 2 phiên bản Exclusive và Prestige. Trong khi một số tên tuổi khác cũng dự định lắp ráp xe điện tại chỗ, như KIA (THACO), Wuling (TMT)… BYD cân nhắc kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam song song với mở bán sản phẩm ngay trong năm 2024.
Nhìn chung, dù sở hữu nhiều ưu điểm về vận hành và thân thiện môi trường, sự phát triển của xe điện tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển của xe điện cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc cải thiện hạ tầng sạc, giảm chi phí sở hữu, và nâng cao nhận thức về lợi ích của xe điện.
Cùng với đó, cần gia tăng tỷ lệ nguồn điện “sạch”, kết hợp giảm phát thải trong các khâu sản xuất xe và phụ tùng tại chỗ… để bảo đảm những chiếc ô tô điện thực sự “sạch” khi phục vụ người dân Việt Nam.
(Theo: HàNộiMới)
Honda triệu hồi hơn 200 xe Gold Wing và CBR1000RR tại Việt Nam Honda Việt Nam vừa có thông báo triệu hồi 221 Gold Wing và CBR1000RR do có khả năng xảy ra hiện tượng phồng cánh bơm ... |
Honda dẫn đầu danh sách 10 hãng xe máy bán chạy nhất thế giới năm 2023 Bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu xe máy bán chạy nhất thế giới năm 2023 có một số thay đổi so với năm trước, ... |
Doanh số xe Hyundai giảm mạnh trong tháng 2/2024 Sô lượng ô tô Hyundai bán ra thị trường Việt Nam tháng 2/2024 chỉ đạt 2.033 xe, giảm 43% so với tháng liền trước |