Tạo thói quen cần thiết khi sử dụng ô tô
Thường xuyên chăm sóc xe |
Chăm sóc xe như đôi chân của mình
Hãy giữ xe hoạt động trong điều kiện tối ưu. Sách hướng dẫn sử dụng có đầy đủ các chỉ dẫn chính xác về tần suất bảo dưỡng và chu kỳ bảo dưỡng xe. Hãy thực hiện đúng theo chỉ định, vì nếu không phiếu bảo hành của xe sẽ không còn giá trị.
Thứ hai, bạn cần hiểu ý nghĩa của những đèn cảnh báo trên bảng điều khiển khi khởi động xe. Có rất nhiều loại đèn cảnh báo và tất cả được nêu trong sách hướng dẫn sử dụng. Cách phân biệt đơn giản là theo màu sắc: Màu xanh là đèn hướng dẫn, màu vàng là cảnh báo, và màu đỏ báo hiệu có vấn đề nghiêm trọng.
Ngoài ra, hai nguyên nhân chính khiến chiếc xe của bạn hay “lâm nạn” giữa đường chính là việc hết nhiên liệu và nổ lốp. Chính vì vậy, nếu không muốn vướng vào những điều này, đừng để nhiên liệu xuống dưới mức 1/4 bình, đồng thời luôn đảm bảo rằng lốp xe của bạn trong tình trạng tốt và với áp suất tiêu chuẩn: Hãy hình thành thói quen kiểm tra áp suất và ta-lông (gai) lốp xe mỗi khi bạn đổ nhiên liệu.
Tất nhiên, ngay cả khi tuân theo những biện pháp phòng ngừa này, bạn vẫn có thể gặp trường hợp hỏng xe. Do đó, bạn cần chuẩn bị cẩn thận và luôn nhớ mang theo một số đồ dùng thiết yếu trên xe, như bộ sạc điện thoại di động, chăn, chai nước, chút đồ ăn nhẹ (snack), bộ dụng cụ sơ cứu, đèn pin, bản đồ (với những chuyến đi dài)... Đây sẽ là những thứ hữu ích nếu không may bạn bị mắc kẹt trong đám ùn tắc giao thông hỗn loạn, hoặc trên con đường nào đó bị chặn do lũ lụt...
Một điều vô cùng quan trọng là bạn có một địa chỉ, một số điện thoại để “cầu cứ” khi gặp trường hợp hỏng xe: số điện thoại cứu hộ, số điện thoại của đại lí bán xe… bạn luôn có thể yên tâm dù bất kể trường hợp nào, bạn cũng có một lối thoái cho mình.
Khi gặp trục trặc trên đường
Chủ động trong mọi tình huống |
Bạn nghĩ rằng mình là tay lái siêu hạng và cực kỳ cẩn thận, và không bao giờ có chuyện gặp tai nạn? Điều này hoàn toàn sai. Tất cả mọi người đều có nguy cơ gặp tai nạn khi tham gia giao thông, vì đôi khi lỗi không phải do bạn nhưng vẫn có thể gặp tai nạn vì những lí do khách quan khác trên đường.
Nếu không may gặp tai nạn, điều đầu tiên không phải là xác định ai có lỗi, mà là xem có ai bị thương hay không. Sau đó, bạn nên trao đổi thông tin cá nhân với lái xe kia. Thông thường, bạn cần có tên và địa chỉ của lái xe kia, số CMND, kiểu xe cũng như số đăng ký xe của họ.
Luôn mang theo sổ tay và bút trong hộp đựng găng tay để ghi chép những thông tin này. Điện thoại di động thực sự là một công cụ hữu ích: bạn có thể sử dụng điện thoại để chụp ảnh hiện trường thực tế của vụ tai nạn.
Đặc biệt lưu ý: Khi nói chuyện với lái xe phía kia, hãy giữ bình tĩnh. Lớn tiếng quát tháo hoặc sử dụng nắm đấm sẽ chỉ khiến cho sự việc xấu đi. Hãy thông báo vụ việc tai nạn cho công an giao thông trong vòng 24 giờ.
Nếu xe của bạn cần được kéo đi sửa chữa ở một đại lý hoặc một xưởng sửa chữa ô tô, bạn nên liên hệ với hãng bảo hiểm và làm theo hướng dẫn của họ để biết người và nơi cần đưa xe của bạn đến sửa. Hãy luôn lấy các số điện thoại và địa chỉ để lưu lại.
Đề phòng trộm cắp
Thật kinh khủng nếu bạn bước ra khỏi nhà hoặc khu mua sắm và phát hiện ra rằng chiếc xe yêu quý của mình đã biến mất. Để tránh tình huống đó, hãy áp dụng một số biện pháp mang tính phòng ngừa.
Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ mất xe, hãy áp dụng một số biện pháp sau:
- Đỗ xe ở những nơi sáng sủa, gửi xe đúng nơi quy định
- Khóa tất cả cửa xe và đảm bảo đóng toàn bộ cửa kính
- Lắp còi báo động và chức năng chống chìa khóa giả
- Lắp khóa cho các bánh xe
- Luôn quan sát không gian xung quanh hẻo lánh
- Hạn chế đi đêm hoặc nên có bạn đồng hành
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh… việc mất cả chiếc xe xảy ra không nhiều so với các trường hợp bẻ gương, cậy logo, tháo bánh xe… Vậy để luôn có thể yên tâm với chiếc xế yêu của mình, việc tiết kiệm vài chục nghìn gửi xe rất có thể sẽ phải trả giá bằng tiền triệu cho một chiếc logo hay nhiều hơn thế cho một chiếc gương chính hãng.
Theo Dân trí