Rolls-Royce kiến nghị 4 lý do giữ Thông tư 20
Xóa Thông tư 20, làng ô tô kêu cứu |
Cụ thể, trong phúc đáp gửi tới đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam, ông Đoàn Hiếu Trung, đại diện Rolls-Royce Motor Car Hanoi (RRMCHN) cho biết, công ty này ủng hộ việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu ô tô, gồm cả các nhà nhập khẩu chính hãng và không chính hãng. Môi trường cạnh tranh lành mạnh này không chỉ mang lại cho người mua nhiều lựa chọn hơn mà còn tạo cho mỗi nhà nhập khẩu sức ép phải luôn hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của mình để phục vụ khách hàng tốt hơn. Các nhà nhập khẩu cần được đối xử công bằng cả về quyền lợi cũng như trách nhiệu của họ đối với khách hàng, với lợi ích chung của quốc gia và cộng đồng.
Tuy nhiên, điểm không công bằng thứ nhất, theo ông Trung, về mặt đầu tư, để được phép nhập khẩu xe ô tô mới, các nhà nhập khẩu chính thức đã phải đầu tư cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Giao thông vận tải, của nhà sản xuất.
Mỗi xe Rolls-Royce đóng thuế từ 10-30 tỷ đồng |
Bên cạnh đó, các đơn vị này phải đầu tư hệ thống phòng trưng bày, trang bị, hệ thống quản lý và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Các khoản đầu tư này đều để đảm bảo nhu cầu của khách hàng được đáp ứng một cách tốt nhất và lợi ích của họ được đảm bảo một cách chính đáng. Nếu bãi bỏ Thông tư 20 thì các nhà nhập khẩu không chính thức sẽ được quyền nhập khẩu xe ô tô mới như các nhà nhập khẩu chính thức nhưng lại không bắt buộc phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống quản lý và đội ngũ nhân sự như các nhà nhập khẩu chính thức.
Cùng với đó, các nhà nhập khẩu chính thức có trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, triệu hồi xe ô tô gặp sự cố và có trách nhiệm xử lý các công việc này với nhà sản xuất. Nếu bãi bỏ Thông tư 20, các nhà nhập khẩu không chính thức sẽ được nhập khẩu xe như các nhà nhập khẩu chính thức nhưng lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với chiếc xe do họ bán ra.
Điểm thứ ba, theo ông Trung, các nhà sản xuất mà các đơn vị nhập khẩu chính hãng đại diện đều là các tập đoàn quốc tế sở hữu các thương hiệu có giá trị lớn, có quy định nghiêm khắc về việc các đại diện phải tuân thủ nghiêm khắc pháp luật nước sở tại. Chẳng hạn, tất cả xe do RRMCHN nhập khẩu đều được khai báo thuế một cách đầy đủ, chính xác với số thuế phải nộp cho mỗi xe ít nhất từ 10 tỷ đồng, có xe nộp tới 30 tỷ đồng tiền thuế.
Trong khi đó, không ít các nhà nhập khẩu không chính thức đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để khai giá trị ô tô thấp hơn nhiều giá trị thật để giảm số tiền thuế phải nộp. Nếu bãi bỏ Thông tư 20 sẽ đồng nghĩa với việc phủ nhận nỗ lực tuân thủ pháp luật, đóng góp cho ngân sách nhà nước của những nhà nhập khẩu chân chính và tạo điều kiện cho các hành vi gian lận thương mại của một số nhà nhập khẩu không chính hãng, nguồn thu thuế nhập khẩu không tăng mà lại giảm.
Ông Trung cũng nhấn mạnh, ngay cả sau khi Thông tư 20 có hiệu lực, một số thương nhân đã lợi dụng nhập khẩu xe mới dưới dạng xe đã qua sử dụng bằng cách tua công tơ mét lên quá 10.000 km và thuê người đăng ký tại nước ngoài quá 6 tháng để được công nhận là xe ô tô cũ. Ngoài ra, nhập khẩu dưới dạng quà tăng cũng phổ biến, nếu Thông tư 20 bị bãi bỏ thì các hành vi gian lận thương mại này sẽ phát triển mạnh.