Xóa Thông tư 20, làng ô tô kêu cứu
Cửa bỗng dưng được mở bung
5 năm trước, ngày 12/5/2011, thị trường ô tô Việt Nam đảo lộn khi Thông tư 20/2011/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 20) của Bộ Công Thương ra đời nhằm “cấm cửa” hoàn toàn hoạt động nhập khẩu và phân phối ô tô nguyên chiếc mới chính hãng từ 9 chỗ ngồi trở xuống .
Từ chỗ trăm hoa đua nở, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có thể nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc từ nước ngoài về phân phối tại Việt Nam thì kể từ ngày 26/6/2011 (ngày Thông tư 20 có hiệu lực), số đơn vị nhập khẩu thu hẹp rất nhiều, mỗi thương hiệu gần như chỉ có 1 đơn vị nhập khẩu phân phối. Lúc này, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng, hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng. Đồng thời, các doanh nghiệp này còn phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Kia Morning, ô tô nhập khẩu |
Thông tư 20 được xem là sự siết chặt cần thiết để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng hơn và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cho dù cũng xuất hiện những đặc quyền của nhà phân phối, nhập khẩu chính hãng.
Tuy nhiên, theo Luật đầu tư số 67/2014/QH13, Thông tư 20 này sẽ tự động hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Cửa đang đóng bỗng dưng được mở bung khiến thị trường ô tô có thể trở về tình trạng hỗn loạn trước năm 2011 và thậm chí phức tạp hơn nhiều khi quy mô thị trường hiện tăng gần gấp đôi…
Doanh nghiệp nhất loạt kêu cứu
Trước nguy cơ thị trường ô tô bị xáo trộn lớn nếu không có văn bản thay thế Thông tư 20, gần như toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng, các hiệp hội doanh nghiệp cùng có văn bản kêu cứu gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong văn bản số 062700/2016/VAMA ngày 27/6/2016, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cho biết họ quan ngại sâu sắc về những tác động tiêu cực tới quyền lợi người tiêu dùng, tới việc đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường nếu Chính phủ không kịp thời có các biện pháp thay thế áp dụng từ ngày 1/7 khi Thông tư 20 hết hiệu lực.
Theo VAMA, việc đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ…sẽ có thể bị bỏ ngỏ nếu Thông tư 20 hết hiệu lực nhưng không có văn bản thay thế và nhà nhập khẩu không chính hãng có thể dừng hoạt động bất kỳ lúc nào.
VAMA cũng lo ngại các nhà nhập khẩu không chính hãng trốn thuế bằng việc khai giá mua xe/bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 có hiệu lực.
Kiến nghị của VAMA về Thông tư 20 |
“Vì những lý do nêu trên, VAMA xin được đề xuất Ngài Thủ tướng Chính phủ khẩn cấp ban hành Nghị định Chính phủ thay thế cho Thông tư 20 áp dụng từ ngày 1/7/2016 để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường và ngành công nghiệp ô tô cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường” – văn bản của VAMA kiến nghị.
Ngoài ý kiến chung trong VAMA, doanh nghiệp có doanh số lớn nhất thị trường là Thaco (Trường Hải) cũng có văn bản riêng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ e ngại những tác động xấu tới thị trường ô tô khi Thông tư 20 hết hiệu lực. Đồng thời, Thaco kiến nghị Chính phủ có ngay những giải pháp, quy định chống gian lận về chuyển giá nhập khẩu ô tô; trường hợp chưa có thì Nhà nước nên duy trì Thông tư 20 thêm một thời gian ngắn nhất định trước khi có những quyết sách phù hợp.
Tương tự, hàng loạt các đơn vị nhập khẩu chính hãng như BMW, Renault, Maserati, Audi, Rolls-Royce, Subaru cũng như Hiệp hội doanh nghiệp Đức, doanh nghiệp châu Âu…., đều đồng thuận việc duy trì Thông tư 20.
Trong văn bản số 01/062016/VIVA, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng nhấn mạnh đến những tác động tích cực của Thông tư 20 và ủng hộ việc nâng Thông tư này lên thành Nghị định với 7 lý do liên quan, từ bảo hành bảo dưỡng, linh kiện phụ tùng đến triệu hồi xe, cơ sở vật chất, thu hút đầu tư, đảm bảo nguồn thu Ngân sách…