Nghị định 116: Thaco- VAMA quyết liệt tranh cãi
TIN LIÊN QUAN | |
Đã có Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 siết nhập khẩu ô tô | |
Toyota và Honda tạm dừng nhập khẩu ô tô vào Việt Nam | |
Nghị định 116 - Rào cản mới cho ô tô nhập |
Ngày 26/2, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đã có một cuộc tranh luận trực tiếp khá quyết liệt về Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10/1/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ trì cuộc đối thoại sáng 26/2 về Nghị định 116. Ảnh vneconomy.vn |
Cuộc tranh luận diễn ra giữa 2 bên, một bên là đại diện Thaco (Trường Hải) và Hyundai Thành Công, với phần còn lại thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA (dù Thaco cũng là thành viên VAMA).
Chủ tịch VAMA: Xe nhập đóng băng vì Nghị định 116
Tại cuộc họp, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA đồng thời là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, VAMA quan ngại sâu sắc của với một số quy định hành chính trong Nghị định 116, do không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA. Hậu quả là hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt nam từ ngày 1/1/2018 cho đến nay.
Cũng theo ông Toru Kinoshita, 4 khó khăn lớn do Nghị định 116 gây ra, gồm quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại xe ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp (giấy chứng nhận kiểu loại ô tô); Quy định mới về việc thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu; Biện pháp xử lý đối với những đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu xảy ra trước khi ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017) và Quy định mới về đường chạy thử ô tô đối với các nhà sản xuất trong nước.
Ông Toru Kinoshita cho rằng những quy định này làm gián đoạn và hầu như ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước; làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập nhẩu ô tô, dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.
Đồng thời, điều này còn tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam, nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.
Cụ thể, theo phân tích của đại diện VAMA, quy định giấy chứng nhận kiểu loại ô tô do nước ngoài cung cấp chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Thông thường, các nước, gồm cả Việt Nam, chỉ cấp giấy này cho xe trong nước chứ không cấp cho xe nước ngoài.
Đồng thời, rất khó có thể sử dụng giấy chứng nhận kiểu loại của ô tô tiêu thụ tại nước ngoài để nộp cho kiểu loại ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, do sự khác biệt về các thông số kỹ thuật. Từng kiểu loại ô tô được phát triển riêng cho từng thị trường khác nhau, nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn riêng của từng nước, điều kiện sử dụng và nhu cầu của khách hàng tại từng thị trường. Trường hợp này, VAMA kiến nghị chấp nhận thay thế bằng giấy chứng nhận kiểu loại ô tô được cung cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo VAMA, quy định mới về kiểm định làm tăng thời gian, tăng chi phí và ảnh hưởng tới thị trường, tới khách hàng |
Trong khi đó, quy định mới về việc kiểm tra khí thải và an toàn đối với từng lô hàng ô tô nhập khẩu, theo VAMA, làm tăng thời gian chờ đợi thông quan lên thêm tới 2 tháng hoặc hơn và làm tăng chi phí lưu kho đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời làm đội chi phí thêm lên tới 10.000 USD cho việc tiến hành thử nghiệm khí thải và an toàn đối với từng kiểu loại ô tô trong mỗi lô hàng nhập khẩu.
Giải pháp cho vấn đề này, VAMA kiến nghị chỉ tiến hành thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo, mà không cần phải thử nghiệm lại (giống như quy định trước đây).
Về quy định đường thử chạy thử ô tô đối với các nhà sản xuất trong nước, VAMA cho biết, nhiều thành viên VAMA đã đầu tư và đi vào hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam, nay một số thành viên có thể phải ngừng sản xuất do không thể đáp ứng được quy định về đường chạy thử ô tô vì không có đủ diện tích đất để xây dựng đường chạy thử ô tô và thuê đường thử cũng không khả thi do chi phí cao. Vì thế, VAMA kiến nghị quy định này không áp dụng cho các nhà sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam.
“Tôi mong muốn Chính phủ sẽ nhanh chóng xem xét lại một số quy định hành chính trong nghị định 116 như đã nêu ở trên, nhằm giúp các thành viên VAMA sớm phục hồi lại hoạt động sản xuất, nhập khẩu ô tô như bình thường. Tôi cũng rất mong Chính phủ sẽ sớm ban hành thêm một chính sách thuế ô tô phù hợp nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước thu hẹp khoảng cách về chi phí với ô tô nhập khẩu, đồng thời đảm bảo một tỷ lệ phù hợp giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu” - ông Toru Kinoshita, nói.
Chủ tịch Thaco: Thị trường khan xe do đổ xô nhập khẩu
Phản biện các ý kiến của Chủ tịch VAMA, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, về giấy chứng nhận kiểu loại thì đây không phải là giấy dành riêng cho xe nhập khẩu mà xe sản xuất lắp ráp trong nước của Thaco cũng phải xuất trình giấy này suốt nhiều năm qua.
Ông Dương cho biết, theo quy định, Thaco đã có giấy chứng nhận kiểu lại của Kia từ Hàn Quốc, của Peugeot từ Pháp, của Mazda từ một tổ chức của Đức, của BMW, của MINI.
“Như vậy, Thaco chấp hành rất nghiêm túc các quy định. Và việc thực hiện thì cũng không có khó khăn gì” – ông Dương nói.
Ông Dương nhấn mạnh, giấy chứng nhận kiểu loại giống như lý lịch của 1 chiếc xe, trong đó nói lên công nghệ và các tính năng, và các tính năng này được chứng thực bởi 1 cơ quan được ủy quyền. Nhờ đó, khách hàng có thể biết được xe họ mua có công nghệ nào và các tính năng ra sao, họ mua xe có phải công nghệ mới nhất và đúng giá trị hay không, đồng thời có thể xem xét các vấn đề kỹ thuật khi có tai nạn xảy ra…Vừa qua, Volkswagen ở Mỹ bị phát hiện gian lận khí thải theo tiêu chuẩn Euro 6 là nhờ giấy chứng nhận này.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương lại cho rằng quy định giấy chứng nhận kiểu loại ô tô áp dụng cho cả xe lắp ráp từ nhiều năm qua chứ không phải chỉ cho xe nhập khẩu. |
Về vấn đề thiếu hụt xe, ông Dương cho rằng nguyên nhân chính là do chiến lược, kế hoạch của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã chuyển một phần từ sản xuất lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 2018.
“Xe trong nước không sản xuất nữa mà nhập xe nguyên chiếc, mà khi nhập về thì lại có các quy định thành ra bị thiếu hụt một lượng xe ở thị trường. Tôi xin nói việc này là do chính các anh gây ra” – ông Dương nói. “Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nếu không dằng dai việc này, thì ngay trong tháng 3, tháng 4 tới các anh đã có thể nhập khẩu được xe để bán. Tôi cũng sẽ nhập BMW, nếu thống nhất việc này thì tôi cũng sẽ cho nhập liền, trong vòng 2, 3 tuần là xe sẽ về tới đây”.
Ông Dương cũng tán đồng quy định kiểm tra khí thải theo lô, và cho biết, hiện nay động cơ chúng ta mới áp dụng Euro 4, việc áp dụng Euro 4 và không áp dụng Euro 4 là chênh lệch giá không nhỏ, để đạt được Euro 4 cũng không dễ, vì thế có xảy ra hiện tượng đưa một mẫu động cơ để kiểm định thì đạt Euro 4, nhưng các lô nhập khẩu về bớt xén đi, chưa chắc đã đạt.
“Ngay cả công ty chúng tôi không có ý định gian lận, nhưng do trong sản xuất có những cái khi chúng tôi làm kiểm định thì nó đạt, nhưng khi bên kia sản xuất đem về thử thì lại không đạt phải thử đi thử lại”- ông Dương nói.
Về yêu cầu đường thử xe đạt chuẩn mới, ông Dương cho rằng sau gần 20 năm, đường thử ô tô hiện đã quá lỗi thời, hiện nay các tính năng xe cũng khác, tốc độ xe cao hơn…Ngoài ra, ông Dương cũng nhấn mạnh, yêu cầu này được kéo dài đến 1 năm rưỡi, đến 15/4/2019 chứ không phải áp dụng ngay nên các nhà sản xuất lắp ráp hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Đặc biệt, ông Dương cho rằng nếu quyết liệt, nhiều doanh nghiệp có thể nhập xe về ngay trong tháng 3, tháng 4 tới. (ảnh minh họa) |
Về đề nghị hoãn thi hành Nghị định 116, ông Dương cho rằng Nghị định 116 được ban hành theo một quy trình rất chặt chẽ từ việc lấy ý kiến ở ngoài xã hội, công luận rồi đến các cuộc họp. Ông nhấn mạnh ngoài sự cần thiết đã phân tích ở trên, việc hoãn sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp nghiêm túc thực thi với phần còn lại.
“Tôi đã nghiên cứu kỹ xem quy định của Nghị định có vi phạm pháp luật quốc tế hay không bởi tôi đánh cược cả chiến lược kinh doanh của tôi và đằng sau đó là rất nhiều các thương hiệu quốc tế khác”. – ông Dương nói.
Chờ ý kiến Thủ tướng
Được biết, cuộc họp chủ yếu ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03 nêu trên, từ đó có thể có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
"Hôm nay, chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề. Chúng tôi đã nghe cả hai chiều, xin ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến. Đây là hội nghị rất quan trọng để làm rõ hơn về Nghị định 116, các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để chúng tôi báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng các giải pháp cụ thể", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Nguyễn Kiên (LSVN)
Tháng 5, lô Honda CR-V ‘giá rẻ’ có thể về Việt Nam Tổng giám đốc Honda Việt Nam hy vọng khoảng tháng 5 hoặc 6 năm nay, lô Honda CR-V mới giá hấp dẫn hơn có thể ... |
Ford Ranger Raptor 2019 rục rịch về Việt Nam Ford Ranger Raptor 2019 hoàn toàn mới có sự đột phá về động cơ và hộp số vừa ra mắt tại Thái Lan và sẽ ... |
Đã có Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 siết nhập khẩu ô tô Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 116/2017/NĐ-CP siết nhập khẩu ô tô. |
Toyota và Honda tạm dừng nhập khẩu ô tô vào Việt Nam Toyota và Honda tạm dừng nhập khẩu ô tô vào Việt Nam do gặp khó khăn về quy định nhập khẩu ô tô có hiệu ... |
Nghị định 116 - Rào cản mới cho ô tô nhập Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 được coi như "rào cản" mới được lập nên trước nguy cơ xe nhập khẩu từ khối ... |