Lái xe Uber Việt bị "tố" gian lận, mắng khách hàng
Lái xe Uber bị “tố” gian lận và mắng, chửi khách
Gần đây, không ít những câu chuyện về việc lái xe Uber có thái độ bất lịch sự với khách hàng được lan truyền trên cồng mạng.
Là một khách hàng từng đi Uber, anh Tuấn Anh (Hà Nội) chia sẻ rằng do lỡ tay chấm điểm 2 sao cho một lái xe Uber mà anh đã bị người này gọi điện lại mắng chửi thậm tệ; chưa kịp nghe khách hàng giải thích, người này đã dập máy. Anh Tuấn Anh đánh giá cao về sự tiện lợi, giá cả của Uber nhưng về thái độ của các lái xe, theo anh thì đang càng ngày càng tệ.
Một khách hàng khác cũng “tố” lái xe Uber mắng chửi khách hàng: “Hôm nay mình đi Uber và bị lái xe chửi tục liên tục vô mặt và còn đuổi theo đe dọa. Mình phải chạy vào Familymart vì sợ bị đánh. Yêu cầu Uber giải quyết giùm mình. Nếu không có giải pháp thì mình không xài nữa và khuyến cáo mọi người về sự không an toàn này”
Tài xế đối tác Uber bị tố gian lận và có thái độ bất lịch sự |
Không chỉ bất lịch sự, một số lái xe Uber bị cho là gian lận, vẽ đường, câu giờ khi chạy xe. Anh Nguyễn Thế Trung chia sẻ: “Mình gọi uber cho người nhà đi từ Hà Đông đi Bắc Ninh, thanh toán qua visa hết 195 nghìn. Tuy nhiên đến nơi tài xế vẫn đòi tiền mặt và cả phí cầu đường, người nhà mình đã đưa 260 nghìn tiền mặt cho tài xế. Tổng cộng chuyến đi đấy mình đã phải thanh toán tất cả (195 + 260 = 455 nghìn). Mình rất không hài lòng với hành động của tài xế. Mình yêu cầu uber liên lạc với mình để giải quyết trong thời gian sớm nhất".
Cùng cảnh ngộ đó là trường hợp của một bạn trẻ học Kiến trúc: “Tối qua mình đi từ Đại học Kiến trúc - đường Nguyễn Thượng Hiền, nếu giờ cao điểm thì mình di chuyển mất 25-30' bằng ô tô, còn nếu bình thường thì mình mất 17-20'. Nhưng tối qua tài xế tên Trung Thịnh lái xe quá chậm, chỉ có 5.87 km mà mất thời gian 45 phút . Và tự nhiên mình phải mất time là 20.000 vì tài xế lái quá chậm để "câu" thời gian”.
Đại diện Uber nói gì về điều này?
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam cũng thừa nhận, có tình trạng trên song số lượng là rất ít. Ông khẳng định, Uber không hoạt động dựa trên sự hợp tác của các tài xế cá nhân độc lập, mà theo một hệ thống giám sát, đánh giá chặt chẽ.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nhận giải quyết sớm nhất những phán ánh của khách hàng, Uber đang tiếp tục thực hiện những chế tài thưởng phạt đối với lái xe thông qua chức năng đánh giá bằng thang điểm sao trên ứng dụng. Đồng thời, Uber cũng đang nghiên cứu công nghệ mới giúp theo dõi và cải thiện chất lượng trong từng chuyến đi.
Đa số lái xe tận tâm - tận tình
Bỏ qua một số hình ảnh không tốt, vẫn có rất nhiều lái xe Uber Việt ghi điểm với khách hàng bằng sự tận tâm, tận tình của mình.
Anh Nam Anh có tuổi đời còn rất trẻ |
Anh Nam Anh- lái xe Uber có tuổi đời còn rất trẻ (21 tuổi)- gây ấn tượng mạnh qua câu chuyện của chị Liên - một hành khách đi cùng chuyến xe với Nam Anh.
Khi đó chị Liên và con đang trên đường tới bệnh viện lo thủ tục cho chồng chị vừa bị tai nạn xe máy. Tuy nhiên khi đến nơi, chị không thể tìm được chiếc ví có chứa tới 30 triệu cùng rất nhiều giấy tờ của mình. Trong lúc hoang mang, chị đã gọi điện lại cho lái xe vừa chở mình. Nam Anh đã tìm thấy ví của chị ở ghế sau xe và đem trả lại ngay lập tức.Chị Liên chia sẻ: “Nam Anh quay lại trả lại tôi chiếc ví, tôi thấy nụ cười hiền hậu và một nhân cách lớn, em nhắc tôi kiểm tra lại nhưng tôi chắc chắn rằng đến một hạt bụi cũng sẽ còn trong chiếc ví đó”.
Một điển hình khác là anh Lê Ngọc Đức cũng là lái xe xuất sắc với lượt chấm điểm gần như tuyệt đối 4,9/5. Anh luôn nhận được đánh giá cao và được các hành khách hết lời khen ngợi về thái độ phục vụ chu đáo, nhiệt tình. Nhưng ít ai biết rằng, để có thể trở thành 1 lái xe giỏi như hiện nay, anh Đức đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua mặc cảm và khó khăn về giao tiếp.
Tài xế đối tác Nguyễn Thị Quỳnh rất tận tâm và giàu lòng nhân ái |
Không chỉ có các lái xe nam, Uber cũng có những nữ tài xế giỏi giang, tận tâm và giàu lòng nhân ái.
Một khách hàng đã từng đi chuyến xe của chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hà Nội) chia sẻ một câu chuyện đáng nhớ: “Tôi đi xe cùng bác tài Quỳnh qua cầu Chương Dương, thấy có ông cụ bị ngã ngay ở lối lên cầu đoạn cây xăng Trần Quang Khải. Xe đi qua ông cụ một đoạn, chị lái xe xin phép quay đầu lại để xem cụ có sao không. Chúng tôi đỡ cụ ngồi dậy, hỏi han nhà cụ ở đâu, số điện thoại người nhà như thế nào… để có thể giúp cụ. Cụ bị lẫn nên chẳng nói gì nhiều, không nhớ số nhà, chỉ biết nhà ở Khâm Thiên, đi khỏi nhà từ 4 giờ sáng và cụ đang trên đường về quê. Chúng tôi gọi 113 giúp cụ. Vì tôi vội để bắt kịp xe đi lễ nên chị Quỳnh phải nhờ ngay hai cô bé đi qua đường đứng trông cụ chờ công an đến. Lên đến đầu cầu gặp cảnh sát cơ động, chị lái xe lại hỏi tôi dừng xe lại nhờ các anh cảnh sát giúp ông cụ. Sau khi đưa tôi đến nơi, chị còn cẩn thận quay lại chỗ cũ, thấy cụ được chở đi rồi còn gọi lại báo cho tôi biết để tôi yên tâm”.
Kết
Không chỉ dừng ở việc cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, tiện lợi mà thái độ và tác phong của các lái xe với khách hàng cũng là điều mà Uber cần phải quan tâm và hoàn thiện nếu muốn tiếp tục "giữ chân" người dùng Việt.