Xe to đền xe bé, xe đúng đền xe sai: Lý giải của người trong cuộc
Dừng đỗ xe trên đường cứu nạn bị phạt bao nhiêu? Một số lỗi vi phạm giao thông có thể bị tạm giữ xe ngay Từ 20/5, mở đợt kiểm tra, xử lý xe 'chây ỳ' lắp camera giám sát |
"Đền" vì tình người
Cuối tháng 12/2021, anh L.V. P. (trú xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe tải chở hàng lưu thông trên đường, bất ngờ một người đàn ông điều khiển xe máy trong trạng thái say xỉn tông vào hông xe. Anh P. và người dân đã nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định người đàn ông điều khiển xe máy bị chấn thương sọ não.
Sau vụ việc, bên bị thiệt hại có đề xuất anh P. hỗ trợ tiền viện phí và điều trị. Mặc dù đã đi đúng làn đường, đúng tốc độ và không vi phạm an toàn giao thông nhưng anh P. chấp nhận hỗ trợ gia đình nạn nhân 20 triệu đồng với lý do "tình người".
"Tôi khẳng định mình không hề đi sai, cơ quan chức năng sau khi khám hiện trường cũng xác định xe tôi đi đúng. Nhưng khi làm việc với gia đình, thấy nạn nhân bị thương quá nặng nên tôi đã đồng ý hỗ trợ họ 20 triệu đồng, đây là hành động vì đạo lý tình người. Tôi nghĩ dù sao mình cũng là con người với nhau nên cần có trách nhiệm dù đúng hay sai", anh Phương chia sẻ.
Tương tự, giữa năm 2020, tài xế N.V.T., trú tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa điều khiển ô tô tải chở vật liệu xây dựng, lưu thông trên quốc lộ 47. Khi đi đến địa bàn phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa thì một nam thanh niên đi xe máy đâm vào đuôi xe tải khiến nạn nhân bị thương và xe máy hư hỏng nặng.
Sau khi sự việc xảy ra, tài xế T. bị người dân và người nhà nạn nhân bao vây, yêu cầu bồi thường mới cho đi. Không để sự việc đi quá xa nên anh T. đã đồng ý "đền" 15 triệu đồng cho gia đình nam thanh niên kia.
"Khi đền bù tôi chỉ muốn cho xong việc, vì nếu cơ quan chức năng vào cuộc thì phương tiện sẽ bị tạm giữ để điều tra, lúc đó công việc của mình sẽ bị gián đoạn. Hơn nữa tôi cũng vì thương nam thanh niên nên đã đồng ý, việc này đa phần các tài xế khó tránh khỏi vì đặc thù công việc thường xuyên đi lại", nam tài xế T. cho biết.
"Không có chuyện giữ phương tiện vì chưa có giấy bãi nại"
Theo đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, về nguyên tắc, người và phương tiện tham gia giao thông nếu không may xảy ra tai nạn thì bên gây ra tai nạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cho dù người gây tai nạn đi bộ, đi xe đạp hoặc bất kỳ một phương tiện gì.
Ngoài ra, những vụ tai nạn do nguyên nhân khác thì được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, nhiều vụ tai nạn luôn được các bên gây tai nạn và bên bị thiệt hại có thỏa thuận dân sự với nhau sau tai nạn.
"Việc này thường xảy ra, họ thống nhất về mức độ đền bù, bồi thường và không đưa nhau ra tòa. Đối với trường hợp này thì cơ quan chức năng sẽ xem xét về mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét về tổng thể vụ tai nạn thì các cơ quan chức năng vẫn phải vào cuộc để xác định đúng sai như thế nào", vị cán bộ này chia sẻ.
Liên quan đến việc điều tra xử lý tai nạn và tạm giữ phương tiện, một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, tất cả vấn đề xử lý tai nạn phải theo đúng quy định của pháp luật, ai sai, lỗi thuộc về bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm.
Theo cán bộ CSGT này thì lâu nay, nhiều vụ tai nạn thường hay rơi vào các lỗi tai nạn hỗn hợp (bên nào cũng sai).
Đối với trách nhiệm dân sự, thông thường sau vụ tai nạn giao thông, các bên hay thỏa thuận với nhau. Bên bị thiệt hại nhẹ hơn thường hay có xu hướng hỗ trợ. Còn tất cả các vụ tai nạn phải được xử lý, điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ Luật dân sự và các văn bản liên quan.
Về giữ phương tiện, thông thường sau khi tiếp nhận vụ việc, CSGT sẽ tiến hành giữ hiện trường để đo vẽ, điều tiết giao thông, lấy lời khai của các bên liên quan. Đồng thời, phương tiện sau khi xảy ra tai nạn sẽ được tạm giữ để điều tra.
Theo quy định, phương tiện sẽ bị tạm giữ không quá 7 ngày. Trong vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn 2 lần (không quá 60 ngày). Quá trình tạm giữ phương tiện, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra và khám xe. Khi mọi việc xong xuôi, không liên quan gì đến phương tiện thì sẽ trả lại cho chủ phương tiện. Vị cán bộ Phòng CSGT cũng khẳng định, không có chuyện chưa trả phương tiện vì chưa có giấy bãi nại từ phía bị thiệt hại.
Ngoài ra, trong những vụ tai nạn nghiêm trọng (bị thương nặng hoặc chết người), CSGT sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý. Sau đó sẽ có kết luận vụ việc và tùy theo mức độ sai phạm, hành vi sai phạm sẽ đề xuất xử lý hành chính hoặc đề xuất khởi tố hình sự.
(Theo: Dân trí)
Triệu hồi hơn 52.000 xe Mercedes-Benz GLE và GLS vì nguy cơ cháy nổ Hơn 52.000 chiếc Mercedes-Benz GLE-Class và GLS-Class được triệu hồi trên toàn cầu do vấn đề của hệ thống điện có thể gây cháy xe |
Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô Để được phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật |
Dừng đỗ xe trên đường cứu nạn bị phạt bao nhiêu? Tình trạng dừng, đỗ xe thậm chí dàn hàng ngang chụp ảnh ngay trên đường cứu hộ gây bức xúc cho nhiều người |