Những chính sách liên quan đến ô tô, xe máy có hiệu lực từ tháng 6/2022
Từ 1/6, kiểm tra định kỳ dán nhãn năng lượng xe máy Từ 1/6, xe không không dán thẻ ETC đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị phạt ra sao? Lùi thời điểm sử dụng cabin học lái xe ô tô đến cuối năm |
Trong tháng 6/2022 nhiều chính sách liên quan đến ngành sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng ô tô tại Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Từ việc đào tạo lái xe ô tô, hình thức thu phí trên một số tuyến đường cao tốc cho đến chính sách ưu đãi về thuế phí ô tô đều có sự thay đổi.
Tăng thời gian học thực hành lái ô tô trên đường trường
Bắt đầu từ giữa tháng 6/2022, thời gian học thực hành lái ô tô trên đường trường sẽ được điều chỉnh theo quy định mới tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/6 (thời điểm Thông tư 04/2022/TT-BGTVT có hiệu lực) chương trình đào tạo lái ô tô các hạng B1, B2, C sẽ thay đổi thời gian học thực hành lái ô tô trên đường giao thông (đường trường). Cụ thể, đối với hạng B1 (học lái ô tô số tự động), tổng thời gian học thực hành trên sân tập lái sẽ giảm từ 45 giờ xuống còn 41 giờ. Trong khi đó, tổng thời gian học thực hành lái ô tô trên đường giao thông sẽ tăng từ 20 giờ lên 24 giờ.
Đối với hạng B1 (học lái ô tô số sàn) và hạng B2, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT quy định thời gian học thực hành lái ô tô trên đường trường sẽ tăng từ 36 giờ (như hiện tại) lên 40 giờ. Trong khi đó, thời gian học thực hành trên sân tập lái sẽ giảm từ 45 giờ xuống 41 giờ.
Với chương trình đào tạo lái ô tô hạng C, theo quy định mới tổng thời gian các học viên sẽ học lái ô tô trên sân tập là 43 giờ, giảm 3 giờ so với hiện tại. Trong khi đó, tổng thời gian học thực hành trên đường giao thông sẽ tăng từ 45 giờ lên 48 giờ.
Dừng thu phí thủ công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ 1/6, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ dừng thu phí thủ công. Thay vào đó, chủ đầu tư Vidifi sẽ thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với các phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc này.
Do đó, các phương tiện không dán thẻ ETC, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/6 sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông.
Theo đó, các xe ô tô không dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC), hoặc tài khoản không đủ đi vào cao tốc sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 3 tháng.
Những trường hợp chủ xe chưa dán thẻ đi vào trạm thu phí sẽ được phát vé giấy, rồi dừng chờ dán thẻ sau trạm. Nếu chủ xe không muốn dán thẻ sẽ được hướng dẫn đi ra khỏi cao tốc, trường hợp cố tình đi trên cao tốc sẽ bị phạt nguội.
Theo Công ty thu phí tự động VETC, đơn vị này sẽ bố trí 200 nhân viên tại 15 điểm trạm thu phí cao tốc để dán thẻ trong một tháng đầu. Chủ xe chỉ cần dừng chờ 2 phút là hoàn tất thủ tục dán thẻ Etag và mở tài khoản giao thông.
Kết thúc giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp sản xuất trong nước
Sau gần 6 tháng triển khai, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước theo quy định tại Nghị định 103/2021 NĐ-CP đã mang lại những hiệu ứng tích cực trên thị trường ô tô. Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách này áp dụng từ ngày 1/122021 – 31/5/2022 đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường ô tô.
Bắt đầu từ 1/6/2022, chính sách này sẽ chính thức hết hiệu lực. Lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ lại áp dụng như quy định trước đây tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương. Như vậy, từ ngày 1/6/2022 người mua ô tô lắp ráp sản xuất trong nước sẽ không còn được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Kiểm tra dán nhãn năng lượng xe máy sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm
Từ ngày 1/6 - 31/7 hàng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiểm tra định kỳ việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại nơi bán hàng hoặc đại lý bán hàng.
Trước đó, quy định về dán nhãn năng lượng xe máy bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Theo đó, mọi xe mô tô và xe gắn máy mới bán tại Việt Nam đều phải dán nhãn năng lượng, thể hiện mức tiêu hao nhiên liệu theo đơn vị lít/100km và được in tem dán ở vị trí nổi bật, dễ nhìn thấy nhất trên xe.
Người tiêu dùng mua xe máy có thể nhìn nhãn dán và biết mẫu xe chọn mua có mức độ tiêu thụ nhiên liệu như thế nào, từ đó có thêm thông tin để cân nhắc khi lựa chọn mua xe. Trong điều kiện giá xăng tăng cao thời gian gần đây, mức độ tiêu hao nhiên liệu đã trở thành một yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn mua xe của người tiêu dùng.
Quy định về dán nhãn năng lượng xe máy, công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của từng dòng xe được cho là kích thích các hãng xe nâng cấp công nghệ, sản xuất nhằm đưa ra thị trường những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Triệu hồi hơn 52.000 xe Mercedes-Benz GLE và GLS vì nguy cơ cháy nổ Hơn 52.000 chiếc Mercedes-Benz GLE-Class và GLS-Class được triệu hồi trên toàn cầu do vấn đề của hệ thống điện có thể gây cháy xe |
Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô Để được phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật |
Dừng đỗ xe trên đường cứu nạn bị phạt bao nhiêu? Tình trạng dừng, đỗ xe thậm chí dàn hàng ngang chụp ảnh ngay trên đường cứu hộ gây bức xúc cho nhiều người |