Cháy nổ ô tô gia tăng do "độ " thiết bị điện
Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo hệ thống đăng kiểm không cấp chứng nhận kiểm định cho xe khách tự đấu nối, lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện năng, đồng thời thu hồi chứng nhận kiểm định đối với các xe cố tình vi phạm để phòng ngừa nguy cơ chập cháy phương tiện.
Phổ biến xe khách lắp thêm đồ dùng điện
Liên tục các ngày 10-11/7, PV Báo Giao thông khảo sát ở một số bến xe tại Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát… nhận thấy hầu hết các xe khách, từ loại 24 - 46 chỗ ngồi đến xe khách giường nằm 2 tầng đều có màn hình tivi, đầu đĩa; Một số xe hiện đại còn có bộ phát sóng wifi, camera, tủ làm mát.
Lái xe giường nằm BKS 24B-006.19 chạy tuyến Mỹ Đình - Lào Cai cho biết, chiếc xe này vừa mua được vài tháng và cũng không rõ các thiết bị trên xe là nguyên bản hay được chủ xe lắp thêm. Quan sát một số xe khác, PV còn nhận thấy có bảng chữ điện tử được lắp trên kính trước xe đề tuyến chạy xe, tên nhà xe; Bên ngoài có cả dây đèn nhấp nháy lắp chạy dọc hai bên thành nóc xe.
Một vài lái xe cho biết, đó là đèn Led được lắp thêm để trang trí và cảnh báo khi chạy đêm ở đường miền núi. Trong khi đó, quan sát bên trong một số xe khách loại 24 chỗ đời cũ, được sản xuất từ hơn chục năm, cũng thấy có màn hình, đầu đĩa. Chủ xe BKS 19B-007.96 chạy tuyến Mỹ Đình - Phú Thọ cho biết, nhà xe lắp thêm đầu đĩa, màn hình tivi để phục vụ khách giải trí. “Giờ xe nào cũng có đầu đĩa, tivi, nên tôi phải lắp thêm để còn giữ khách. Muốn lắp thêm cái gì cứ mang xe ra cho thợ là xong”, chủ xe này nói.
Chủ xe tự ý lắp thiết bị điện ngoài thiết kế của xe gây quá tải hệ thống điện. |
Thực tế trên cho thấy, không ít nhà xe đã lắp thêm các thiết bị sử dụng điện trên xe, mà việc trang bị thêm các dây dẫn và thiết bị tiêu thụ điện được Cục Đăng kiểm VN cảnh báo là một trong những nguy cơ gây chập điện dẫn đến cháy phương tiện. Theo Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn, nhiều xe khách có các thiết bị sử dụng điện trên xe, phổ biến nhất là màn hình tivi, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát an toàn tại bến không có chuyên môn hoặc căn cứ để xác định thiết bị đó được lắp thêm hay đã được đơn vị kiểm định cho phép.
“Việc kiểm tra phương tiện để phòng ngừa cháy nổ tại bến chủ yếu về bình chữa cháy, búa thoát hiểm, hàng hóa trên xe, thời hạn đăng kiểm của xe… Anh em không biết các đồ sử dụng điện là nguyên bản hay nhà xe tự ý lắp thêm”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến xe tải, tìm hiểu của PV Báo Giao thông cũng cho thấy không ít xe lắp đặt thiết bị có sử dụng điện như còi, quạt, đèn sườn xe. Trong khi đó, nhiều chủ xe ôtô “độ” thêm thiết bị, màn hình cảm ứng lùi xe, thiết bị thu phát không dây (bluetooth), định vị GPS, dàn âm thanh, còi ủ… Theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, những thiết bị “phát sinh” so với thiết kế của nhà sản xuất tuy hữu ích với người sử dụng nhưng cũng được cơ quan đăng kiểm khuyến cáo là một trong những nguy cơ dẫn đến chập, cháy phương tiện.
Tăng cường kiểm định, ngăn ngừa đấu nối Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (VR), có nhiều nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật có thể dẫn đến cháy xe ô tô như: Rò rỉ nhiên liệu, hệ thống làm mát, xả khí không đảm bảo, hệ thống dẫn điện bị chập hoặc quá tải, hệ thống truyền động phát nhiệt quá mức (ví dụ, má phanh bị ma sát nhiều gây nóng, đỏ); vận chuyển hàng hóa dễ cháy nổ mà không đảm bảo yếu tố phòng ngừa….
Ông Trí cũng cho biết, dây dẫn điện dùng cho ô tô có tiêu chuẩn riêng về cơ - lý tính, như phải bọc lót giấy bạc để chịu nhiệt, chịu ẩm, cũng như được định vị có khoảng cách với các chi tiết phát nhiệt. Vì vậy, việc “độ chế” thêm các dây dẫn, thiết bị sử dụng điện trên ô tô là một trong những nguyên nhân có thể gây ra chập dây điện hoặc quá tải điện, dẫn đến cháy phương tiện. Nguy cơ lớn nhất là với những trường hợp dây dẫn không đáp ứng tiêu chuẩn của loại vật liệu dùng cho phương tiện giao thông hoặc khi lắp đặt có sự tiếp xúc trực tiếp với bộ phận phát nhiệt.
“VR đã chỉ đạo hệ thống đăng kiểm xe cơ giới toàn quốc lưu ý kiểm định hệ thống điện, đặc biệt là với xe khách, để phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp tự đấu nối điện, lắp thêm các thiết bị sử dụng điện (trừ thiết bị giám sát hành trình)”, ông Trí nói.
Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hòa Bình Nguyễn Đức Hợi cho rằng, việc “độ” thiết bị là một trong những nguyên nhân có thể gây ra cháy xe, tuy nhiên từ trước đến nay ít được quan tâm. Do đó, chỉ đạo trên giúp các đơn vị chú trọng hơn trong kiểm định và khuyến cáo các chủ xe chú ý bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống điện giữa hai kỳ đăng kiểm.
Còn ông Chu Văn Khang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bắc Giang cho biết, dù một vài chủ xe bức xúc khi được yêu cầu tháo các thiết bị đấu nối thêm (màn hình ti vi, tủ lạnh…) nhưng đơn vị kiên quyết thực hiện.
Trước câu hỏi làm thế nào để ngăn các trường hợp sau khi rời Trung tâm đăng kiểm chủ lại tự ý đấu nối các thiết bị sử dụng điện, Phó cục trưởng VR Nguyễn Hữu Trí cho biết, sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra một số bến xe, trường hợp phát hiện xe tự ý đấu nối thiết bị sử dụng sẽ thu hồi chứng chỉ kiểm định.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, việc kiểm tra phương tiện tại bến làcòn giúp các đơn vị quản lý bến xe phòng ngừa tốt hơn nguy cơ cháy phương tiện ngay từ bến, góp phần đảm bảo an toàn cho hành khách.
Theo GTVT