Quy định dán thẻ ETC khi đăng kiểm ô tô nhận được nhiều ý kiến trái chiều
Đầu tháng 8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC).
Bộ này đề nghị Cục Đăng kiểm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Sau khi xuất hiện thông tin trên, trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội của các tài xế, phần đông ý kiến cho rằng việc dán thẻ thu phí không dừng về bản chất là một giao kèo đã được thực hiện, qua đó người dùng đồng ý sử dụng dịch vụ thu phí không dừng do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện đó.
Thành viên Mai Thanh-một tài xế tại Hà Nội cho rằng, về cơ bản, thẻ ETC trên ô tô thực chất không liên quan đến an toàn kỹ thuật khi di chuyển trên đường. Đồng thời cho rằng, sử dụng đường cao tốc hay các công trình BOT giao thông cũng thuộc về nhu cầu cá nhân, không phải là hạng mục bắt buộc như phí bảo trì đường bộ.
Một số ý kiến khác cho rằng, sử dụng đường cao tốc, BOT hay không lại là quyền và nhu cầu của mỗi người, có nhiều phương tiện tham gia giao thông họ không có nhu cầu đi lên cao tốc, qua các trạm BOT thì cũng không nên bắt buộc phải dán thẻ ETC làm gì. Thay vào đó nên khuyến khích để người dân thấy thuận tiện thì tham gia.
Chị Thu Lan (Thường Tín, Hà Nội), đặt câu hỏi: “Nhà tôi có 2 xe ô tô và chỉ chuyên dùng một chiếc cỡ lớn để đi ngoại tỉnh, qua đường cao tốc, qua trạm BOT. Vậy với quy định mới, tôi phải dán thẻ cả 2, trong khi nhu cầu của tôi chỉ dùng 1 hay sao? Như thế thật là cứng nhắc và không hợp lý".
“Nhà tôi có chiếc xe 5 tạ mua từ năm 2010, đến nay mới đi được vài nghìn km. Mỗi lần sử dụng chỉ đi trong phạm vi 15 km chở hàng trong nội thành Hà Nội và chưa bao giờ đi cao tốc. Không lẽ lần sau đi đăng kiểm, tôi cũng phải mất 120.000 đồng dán thẻ ETC”, chị Chi ở Hoàng Mai, Hà Nội thắc mắc.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, Bộ GTVT cần phải cân nhắc kỹ, không vì để thoả mãn lợi ích của doanh nghiệp BOT và thu phí không dừng mà áp đặt những quy định phi lý để người dân phải thực hiện. Một số khác nghi nghờ Bộ GTVT đang làm công việc này vì doanh nghiệp BOT.
“Mua xe để đi làm cách nhà vài km ở huyện vùng sâu, ít khi ra khỏi huyện cũng phải đánh xe xa vài trăm km chỉ để dán thẻ ETC thì rất phiền hà. Cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ trước khi thông qua. Còn nếu thông qua thì việc thực thi quy định này phải áp dụng linh hoạt với từng trường hợp cụ thể, tránh việc siết oan cho nhiều người”, anh Mạnh Hưng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc nói.
Đăng kiểm là các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ, trong khi thu phí không dừng là một loại dịch vụ mà người dùng có quyền được lựa chọn. Sao lại có thể gộp chung vào làm một?”, một thành viên trong diễn đàn chia sẻ.
Phần lớn tài xế đều cho rằng mức phí dán thẻ ETC tuy không nhiều nhưng quy định không hợp lý vẫn gây nhiều ức chế, khó nhận được sự đồng thuận.
Honda Wave 110i vừa về Việt Nam có gì đặc biệt? Với mức giá 80 triệu đồng, Honda Wave 110i nhập khẩu Thai Lan về Việt Nam có giá cao gấp 4 lần Wave Alpha lắp ... |
Cận cảnh Kia Sorento Hybrid vừa ra mắt tại Indonesia, chờ về Việt Nam Kia Sorento Hybrid vừa ra mắt tại Indonesia với giá bán 1,52 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ được ra mắt Việt Nam trong năm nay |
Dừng đỗ ô tô sai quy định có thể bị phạt tiền tới 12 triệu đồng Theo quy định, tài xế ô tô phạm lỗi dừng đỗ gây ùn tắc giao thông hoặc gây tai nạn sẽ có mức xử phạt ... |